Chiều ngày 7 tháng 11, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn đã tổ chức seminar cho giảng viên, nghiên cứu viên khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn với 02 nội dung trình bày của GS.TS. Đỗ Kim Chung thuộc nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp.

Mở đầu buổi seminar, GS.TS. Đỗ Kim Chung đã chia sẻ chủ đề “Chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp trong nghiên cứu và phát triển nông nghiệp”. Trước hết, GS Chung đã gợi mở câu hỏi cho đại biểu tham gia cùng luận bàn về việc đổi mới gần 40 năm của đất nước Việt Nam, nông nghiệp và nông dân vẫn gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh được mùa, mất giá. Để trả lời cho câu hỏi này, GS.TS. Đỗ Kim Chung đã giúp người nghe khái quát các thông tin về nền kinh tế mệnh lệnh với bối cảnh tem phiếu thời bao cấp. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường thì thượng đế là khách hàng, còn tư duy trong giai đoạn kinh tế kế hoạch hóa tập trung thì thượng đế là sản xuất. Theo GS Chung, vấn đề hiện nay là tư duy “sản xuất nông nghiệp” còn tồn tại.

leftcenterrightdel
 

GS.TS. Đỗ Kim Chung chia sẻ về chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp

Trong nghiên cứu nông nghiệp vẫn tiếp cận theo hướng chọn năng suất cao nhất là mục tiêu. Tư duy sản xuất theo cách tiếp cận năng suất cao sẽ dẫn tới một số hệ lụy như sử dụng quá mức đầu vào, tăng chi phí, giảm chất lượng sản phẩm, sản phẩm không an toàn, giá bán thấp, giảm lợi nhuận, tăng chi phí môi trường do tăng chất thải (hiệu ứng nhà kính), mất cân đối dinh dưỡng, sâu bệnh nhiều, lãng phí nước, tăng phát thải. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhà nghiên cứu lại tư duy như vậy? Đấy là tư duy cũ, theo số lượng, theo mục tiêu sản xuất, sự thiếu hụt kiến thức kinh tế, nhất là quy luật hiệu suất giảm dần. Và đặc biệt theo GS. Chung vấn đề nằm ở chỗ các chương trình, đề tài nghiên cứu về giống cây trồng, vật nuôi các cấp đều lấy chỉ tiêu năng suất cao là chi tiêu nghiệm thu sản phẩm. Như vậy, việc chuyển đổi sang tư duy kinh tế nông nghiệp cho nhà nghiên cứu phát triển nông nghiệp là hết sức cần thiết. Theo tư duy này, nhà nghiên cứu và phát triển nông nghiệp sẽ lấy nhu cầu thị trường, nhà nước không quyết định mà thị trường quyết định chủng loại sản phẩm, cần tập trung vào giá trị, vào hiệu quả kinh tế thay vì năng suất và đặc biệt cần tập trung cả các khía cạnh của phát triển bền vững bao gồm kinh tế, xã hội và môi trường.

leftcenterrightdel
 

GS.TS. Đỗ Kim Chung gợi mở thảo luận làm thế nào để thay đổi tư duy nghiên cứu

Vậy nhà hoạch định và nhà nghiên cứu cần làm gì để chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Thứ nhất, cần cập nhật kiến thức kinh tế thị trường cả cho nhà chỉ đạo thực tiễn và nghiên cứu nông nghiệp. Thứ hai, can thiệp vào cơ chế để thị trường hơn là tác động trực tiếp vào cung. Ba là, đổi mới chương trình đào tạo: đưa nội dung kinh tế trong đào tạo kỹ thuật, nội dung đào tạo thực tiễn và cụ thể. Bốn là, trong nghiên cứu cần thu thập số liệu sinh học kỹ thuật và số liệu về giá đầu vào, đầu ra, đề xuất công nghệ theo các kịch bản khác nhau về sự thay đổi của giá đầu vào và đầu ra.

Dưới sự điều hành của GS.TS. Nguyễn Văn Song, phiên thảo luận diễn ra sôi nổi. Các ý kiến đánh giá cao tính thời sự của chủ đề chia sẻ và nhấn mạnh tầm quan trọng trong cách tiếp cận nghiên cứu của các nhà khoa học hiện nay. Chuyển đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp là một trong những hành động cần làm ngay đối với nhà nghiên cứu và phát triển nông nghiệp.

Phân tích thực tiễn về chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, GS.TS. Đỗ Kim Chung chia sẻ nội dung thứ 02 với chủ đề: “Tôm – lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Hiện trạng và một số đề xuất”.  Kết quả nghiên cứu của tác giả đã chỉ ra mô hình tôm lúa đã phát triển sơ khai ở Đồng bằng sông Cửu Long những năm 1970 và thực sự phát triển mạnh mẽ những năm 1990 và đầu năm 2000 tại các tỉnh ven biển (xâm nhập mặn mùa khô, lúa không hiệu quả). Diện tích mô hình tôm lúa hiện nay ở ĐBSCL tập trung tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu và Bến Tre. Về phương thức sản xuất, hiện có 2 mô hình tôm -lúa phổ biến đó là nuôi bán thâm canh tập trung ở các tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh và mô hình quảng canh cải tiến ở các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau và Bạc Liêu. GS. Chung đã chỉ ra tôm – lúa là mô hình luân canh phù hợp trong bối cảnh biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Tuy nhiên có nhiều thách thức mà mô hình tôm – lúa phải đối mặt hiện nay. Trước hết, thách thức trong sản xuất lúa bao gồm độ mặn cao, kéo dài (đặc biệt khu vực Bạc Liêu, Cà Mau), chưa có giống lúa chịu mặn với nồng độ cao kéo dài, v.v. Trong khi đối với nuôi tôm phải đối mặt với nguồn tôm giống chất lượng thấp, giá cao, thiếu tôm càng xanh; kỹ thuật nuôi: không ương giống, nếu có ương giống cũng không đạt; môi trường nuôi tôm (nước nông, nhiệt độ cao, khó lấy nước khi nuôi, nước xấu…); khó khăn về hạ tầng: mương xung quanh ruộng hẹp và nông, kênh cấp thoát không được nạo vét, cống ngăn mặn thiếu và xuống cấp; quy mô nuôi nhỏ lẻ, liên kết yếu; thị trường xuất khẩu khó khăn trong tạo lập thương hiệu.

Từ việc thảo luận, phần chia sẻ của GS. Chung kiến nghị một số chính sách như nên có chính sách riêng biệt cho vùng tôm, cá và lúa; cần hỗ trợ rủi ro dịch bệnh cho hộ nhỏ lẻ; đổi mới Nghị định 67/2012/NĐ-CP về thủy lợi phí ở các vùng xâm nhập mặn; thu hút doanh nghiệp chủ chuỗi để tạo liên kết hiệu quả và tăng cường liên kết ngành hàng hợp tác xã-nhóm-tổ.

 

leftcenterrightdel
 

GS.TS. Đỗ Kim Chung chia sẻ chủ đề “Tôm lúa vùng Đồng bằng sông Cửu Long: Hiện trạng và một số đề xuất”

Thay mặt các đại biểu tham gia buổi seminar, PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Hiền – Trưởng Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn đã bày tỏ sự biết ơn sâu sắc và sự ngưỡng mộ về tâm huyết của GS.TS. Đỗ Kim Chung trong thúc đẩy công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của Khoa trong thời gian qua và kính chúc Thầy luôn mạnh khỏe, tiếp tục lan tỏa đam mê nghiên cứu khoa học và nhiệt huyết phát triển cộng đồng cho giảng viên trẻ của Khoa trong thời gian tới./.

TS. Lê Thị Thanh Loan - Nhóm Nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp