Chiều 20/09/2021 đã diễn ra buổi trình bày Seminar của Giảng viên, ThS Bùi Văn Quang, Bộ môn Phân tích định lượng với chủ đề “Kết quả thực hiện chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020”. Buổi Seminar diễn ra với sự chủ trì của TS. Nguyễn Hữu Nhuần – Phó trưởng Khoa và sự tham gia của đông đảo các giảng viên, cán bộ và sinh viên của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn.

Chương trình OCOP được thực hiện theo QĐ số 490/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm (gọi tắt là Chương trình OCOP) giai đoạn 2018-2020. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Bài trình bày của Ths. Bùi Văn Quang tập trung vào giới thiệu tổng quan Mục tiêu, đối tượng, sản phẩm, các bước đánh giá sản phẩm tham gia chương trình OCOP và các kết quả đạt được của chương trình giai đoạn 2018 - 2020. Mục tiêu của chương trình OCOP nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn. Đối tượng tham gia chương trình OCOP là các Hộ kinh doanh, HTX và các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các sản phầm tham gia chương trình OCOP chia thành 6 nhóm: (1) Ngành Thực phẩm (Food); (2)   Ngành Đồ uống (Drink); (3)   Ngành Thảo dược (Herbal); (4)   Ngành Vải và may mặc (Fabric); (5)   Ngành Lưu niệm - nội thất - trang trí (Derco) (6) Ngành: Dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng

leftcenterrightdel
 

Trên cơ sở các hoạt động thực tế, Ths. Bùi Văn Quang đã chia sẻ một số kết quả đánh giá chương trình OCOP ở Việt Nam giai đoạn 2018 – 2020 bao gồm gồm:

•      Tổng số có 4733 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên trong đó: 80% sản phẩm thuộc nhóm thảo dược, 9% thuộc nhóm lưu niệm, nội thất trang trí, 6% thuộc nhóm đồ uống, 3% thuộc nhóm thảo dược 1% thuốc nhóm vải may mặc và 1% thuộc nhóm dịch vụ du lịch và bán hàng.

•      Quảng bá, xúc tiến thương mại: chương trình OCOP đã tổ chức 01 Hội chợ quốc tế và 15 diễn đàn/hội chợ OCOP cấp vùng, cấp quốc gia để quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP; 66 hội chợ về sản phẩm OCOP (cấp tỉnh, huyện) với trên 10.000 gian hàng; 142 trung tâm/điểm bán sản phẩm OCOP của 23 tỉnh; 1.016 hợp đồng/bản ghi nhớ hợp tác giữa các chủ thể OCOP và đơn vị thương mại được ký kết và 354 chủ thể có sản phẩm được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị;

•      Chương trình OCOP đã đạt được những hiệu quả và tác động bước đầu: 60,7% chủ thể OCOP đạt từ 3 sao trở lên có doanh thu tăng bình quân 17,6%/năm; giá bán các sản phẩm sau khi được chính thức công nhận OCOP tăng bình quân 12,2%; Các sản phẩm đề nghị Trung ương đánh giá, phân hạng cấp quốc gia đều tăng trưởng về doanh thu từ 20-40%.

•      Trong thời gian qua, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, sản phẩm OCOP đã được cung ứng rất tốt cho thị trường, có sự tăng trưởng về doanh thu và giá bán là minh chứng về tiềm năng, hiệu quả của Chương trình OCOP.

•      Đến hết năm 2020 đã có 57/63 tỉnh, thành phố đã có quyết định chính thức công nhận kết quả công nhận sản phẩm đạt OCOP và đóng góp tích cực vào sự phát triển của nông nghiệp, nông thôn Việt Nam.

leftcenterrightdel
 

Sau phần trình bày của Ths. Bùi Văn Quang, các thầy cô, đại biểu tham gia đã thảo luận chia sẻ xung quanh các vấn đề về thực trạng phát triển của chương trình, các hạn chế và một số định hướng cho nghiên cứu và tư vấn trong thời gian tới.

Buổi Seminar là một hoạt động định kỳ, thường xuyên giúp tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học của các giảng viên, cán bộ và sinh viên của định kỳ của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn hướng tới nâng cao năng lực nghiên cứu và giảng dạy cho sinh viên của Khoa và Học viện./.

Bùi Văn Quang, Nhóm NCM Liên kết kinh tế và phát triển thị trường