Việt Nam là một quốc gia đang phát triển và mới nổi, những thành tựu đạt được sau hơn 30 năm đổi mới có đóng góp hết sức quan trọng vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Với nhiều tiềm năng về phát triển du lịch biển, ven biển và du lịch nông thôn không chỉ cung cấp sinh kế cho người dân và còn lưu giữ các di sản văn hóa đặc sắc. Chính vì vậy thúc đẩy phát triển du lịch ven biển và du lịch nông thôn ở Việt Nam là chủ đề thu hút sự quan tâm bởi nhiều nhà khoa học.

Trong khuôn khổ các hoạt động chia sẻ kết quả nghiên cứu khoa học của giảng viên Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, chiều ngày 13 tháng 3 năm 2023, nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp tổ chức buổi seminar về phát triển du lịch ven biển và du lịch nông thôn ở Việt Nam. Buổi seminar có 2 bài trình bày dưới sự chủ trì của GS.TS. Đỗ Kim Chung. Tham dự seminar có đại diện Ban chủ nhiệm khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn và đông đảo giảng viên, nghiên cứu viên của Khoa.

leftcenterrightdel
Seminar có sự tham dự của các giảng viên và nghiên cứu viên Khoa Kinh tế và PTNT 

Bài trình bày thứ nhất về “Phát triển du lịch gắn với cải thiện sinh kế của người dân ven biển Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu” do PGS.TS. Nguyễn Phượng Lê trình bày. Nội dung chia sẻ tập trung vào các chiến lược sinh kế của người dân ven biển gắn với phát triển du lịch, kinh nghiệm quốc tế về phát triển du lịch gắn với sinh kế người dân ven biển, phát triển du lịch gắn với sinh kế người dân ven biển ở Việt Nam. Theo tác giả, Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển du lịch biển và ven biển với đường bờ biển dài, đảo, vịnh và bãi biển. Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để khai thác thế mạnh biển và bờ biển của Việt Nam cho phát triển du lịch đồng thời bảo đảm sinh kế cho người dân ven biển khi chúng ta đang đối mặt với các vấn đề về quy hoạch đất ven biển, các vấn đề vệ hạ tầng, ô nhiễm môi trường, suy giảm tài nguyên, dịch vụ nghèo nàn, loại hình du lịch đơn điệu, sự tham gia của người dân vào hoạt động du lịch còn hạn chế. Bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới cho thấy để phát triển du lịch ven biển gắn với cải thiện sinh kế nước ta cần chú ý tới các giải pháp huy động sự tham gia của cộng đồng, trang bị kiến thức cho người dân địa phương, xây dựng chiến lược bảo tồn và phát triển các sản phẩm đặc trưng, đào tạo nâng cao trình độ cho cư dân ven biển cũng như tăng cường quản lý nhà nước đối với các hoạt động kinh doanh du lịch.

leftcenterrightdel
PGS.TS. Nguyễn Phượng Lê chia sẻ tại buổi Seminar 

Chủ đề thứ hai trong buổi semiar được trình bày bởi TS. Đỗ Thị Diệp về “Phát triển bền vững du lịch nông thôn tại các nền kinh tế mới nổi ở Châu Á: Lý luận và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”. Theo tác giả, bài học kinh nghiệm phát triển du lịch ở một số quốc gia trên thế giới như Pháp, Trung Quốc, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan và Đài Loan cho thấy hiện nay phát triển du lịch nông thôn ở Việt Nam chưa chú ý nhiều tới các chính sách phát triển du lịch, xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù (dựa trên lợi thế của địa phương, vận động sự tham gia của các hiệp hội, sự tham gia của cộng đồng địa phương (chủ sở hữu, người khai thác, người quản lý và người hưởng lợi), tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. 

leftcenterrightdel
TS. Đỗ Thị Diệp trả lời các câu hỏi của đại biểu tham dự 

Các câu hỏi thảo luận và chia sẻ của đại biểu tham dự nhất trí cao với các vấn đề bất cập cũng như giải pháp được đưa ra bởi các diễn giả. Hầu hết các hoạt động du lịch ở các địa phương ở nước ta chưa khai thác được những giá trị văn hóa ở các nơi khác nhau. Du lịch ở các địa phương cần lưu ý tới sức chứa ở các địa điểm du lịch (cân nhắc tới việc xả rác, khu vệ sinh, dịch vụ bổ trợ khác), v.v.  Chính vì vậy, các kiến nghị chính sách cần tập trung vào việc thống nhất nhận thức và làm rõ vai trò của du lịch ven biển, du lịch nông thôn trong kế hoạch, chính sách phát triển của quốc gia; hai là tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước; ba là đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp không khói quan trọng này; bốn là đa dạng hóa sản phẩm, tuyến điểm và năm là sự tham gia của cộng đồng địa phương./.

TS. Lê Thị Thanh Loan – Nhóm NCM Chính sách nông nghiệp