Chiều ngày 29/11/2021, thông qua nền tảng MS Teams, ThS. Giang Hương, thuộc nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường, Học Viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày seminar trực tuyến với chủ đề “Tổng quan về sản xuất và tiêu thụ lợn thịt tại Việt Nam. Buổi seminar do TS. Lê Ngọc Hướng làm chủ tọa cùng với sự tham gia của cán bộ giảng viên và nghiên cứu viên trong Khoa Kinh tế và PTNT.

Mở đầu buổi seminar, chủ toạ nêu nội dung, ý nghĩa, mục đích của buổi trao đổi. Sau đó, ThS. Giang Hương giới thiệu chung về tầm quan trọng của chăn nuôi lợn và sự cần thiết phải tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lợn thịt để chăn nuôi lợn tăng trưởng ổn định trong bối cảnh hiện nay.

leftcenterrightdel
 

ThS. Giang Hương trình bày seminar trực tuyến qua ứng dụng Microsoft Teams

Bài trình bày làm rõ khái niệm liên kết là sự kết nối của tất các bên đối tác, nguồn lực, doanh nghiệp và các hoạt động, bắt đầu từ khâu sản xuất nguyên vật liệu thành sản phẩm hoàn chỉnh và kết thúc khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng. Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản là việc thỏa thuận, tự nguyện cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các bên tham gia liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Diễn giả cũng tổng hợp các chính sách của Chính phủ Việt Nam liên quan đến liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản như Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về khuyến khích tiêu thụ nông sản qua hợp đồng, Quyết định 62/2013/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn (thay cho Quyết định số 80) và Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Bãi bỏ QĐ 62/2013/QĐ-TTg).

Từ phân tích một số ví dụ thực tiễn, diễn giả chỉ ra Việt Nam tồn tại cả hình thức liên kết dọc và liên kết ngang trong sản xuất và tiêu thụ lợn thịt. Liên kết dọc là sự liên kết toàn bộ quá trình từ cung ứng đầu vào (con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y) đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo dòng vận động của sản phẩm. Liên kết dọc giữa hộ chăn nuôi với đại lý bán thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam là mối liên kết phổ biến, truyền thống và khá bền vững vì không có xung đột lợi ích. Liên kết dọc giữa trang trại chăn nuôi gia công với doanh nghiệp giúp ổn định giá lợn hơi, đảm bảo đầu ra cho người chăn nuôi và giúp kiểm soát tốt dịch bệnh. Tuy nhiên liên kết theo hình thức này đòi hỏi những điều kiện khắt khe về diện tích, chuồng trại và quy mô đàn cùng với những ràng buộc khác khiến nhiều trang trại chăn nuôi không mặn mà. Liên kết dọc giữa đơn vị chăn nuôi với đơn vị tiêu thụ góp phần đảm bảo đầu ra trong chăn nuôi lợn thịt và giá cao hơn so với giá thị trường nhưng tính bền vững của hình thức liên kết này phụ thuộc nhiều vào việc duy trì thị trường của đơn vị tiêu thụ.

Với liên kết ngang trong chăn nuôi và tiêu thụ lợn thịt tại Việt Nam được thể hiện phổ biến giữa các đơn vị cung ứng đầu vào. Các đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi của cùng một công ty thường chia sẻ thông tin kỹ thuật và thông tin thị trường với nhau. Ngoài ra, liên kết ngang còn được thể hiện ở việc các hộ chăn nuôi hợp tác với nhau thành các nhóm, tổ, đội hợp tác, câu lạc bộ và hợp tác xã chăn nuôi lợn thịt. Các thành viên đóng góp vốn, công lao động và chịu trách nhiệm về chất lượng và sản lượng lợn thịt. Cơ chế phân chia lợi ích thường dựa trên khoản đóng góp của thành viên. Ngoài ra, các thành viên được chia sẻ thông tin kỹ thuật, có thể thống nhất về biện pháp chăn nuôi để đồng nhất chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm, có thể mua chung đầu vào để được chiết khấu nhằm giảm chi phí sản xuất, tạo dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, liên kết với các đầu mối tiêu thụ nhằm giảm khâu trung gian.

Trên cơ sở phân tích cơ sở lý lý luận và thực tiễn về sản xuất và tiêu thụ lợn thịt tại Việt Nam, ThS. Giang Hương đề xuất một số hàm ý chính sách để tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ lợn thịt tại Việt Nam tập trung: i) dự báo đúng về cung – cầu thịt lợn; ii) phát triển và nâng cao chất lượng của các hình thức kinh tế hợp tác trong chăn nuôi và tiệu thụ lợn thịt; iii) nâng cao năng lực sản xuất và tiếp cận thị trường cho người chăn nuôi và iv) đa dạng hóa các loại hình liên kết trong chăn nuôi và tiệu thụ lợn thịt.

leftcenterrightdel
 

TS Nguyễn Minh Đức, Trưởng Bộ môn Kinh tế, Khoa Kinh tế & PTNT, tham dự và chia sẻ tại seminar

Sau phần trình bày, các thành viên tham gia buổi seminar đã thảo luận sôi nổi đưa ra góp ý, chia sẻ thêm các kinh nghiệm nghiên cứu trong sản xuất và tiêu thụ lợn thịt tại Việt Nam. Đánh giá chung các thành viên đều cho rằng tăng cường liên kết theo chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ là một trong những yếu tố quan trọng góp phần phát triển bền vững chăn nuôi lợn thịt. Tuy nhiên, phát triển các hình thức liên kết có hiệu quả trong chăn nuôi và tiêu thụ lợn thịt cần gắn với những yêu cầu cấp bách về chuyển đổi số của nông nghiệp Việt Nam nói chung, ngành chăn nuôi lợn nói riêng.

Giang Hương, Nhóm NCM Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường