Trong khuôn khổ Dự án “Dự báo và Giám sát can thiệp dinh dưỡng” (NIFAM – Nutrition Intervention Forecasting and Monitoring), các cán bộ của Khoa Kinh tế và PTNT, Học viện nông nghiệp Việt Nam cùng các đối tác đã tổ chức chuyến khảo sát thực địa để xác định các vấn đề liên quan đến môi trường thực phẩm tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum từ ngày 4-11/3/2023.

Đoàn khảo sát do PGS.TS Phạm Văn Hùng (Khoa Kinh tế và PTNT - VNUA) làm trưởng đoàn cùng với các thành viên Dự án đến từ Đại học Bonn (Cộng hòa liên bang Đức) và Viện Nghiên cứu sinh thái chính sách xã hội (SPERI) đã tới thăm và làm việc với UBND huyện Kon Plong, UBND xã Đắk Nên và người dân trong xã Đăk Nên, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.

leftcenterrightdel
Đoàn trao đổi và làm việc với UBND huyện Kon Plông 

Qua trao đổi với cán bộ huyện và xã, được biết Kon Plong là một trong 74 huyện nghèo của cả nước theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022). Trong đó, Đắk Nên là xã vùng sâu, vùng xa của huyện Kon Plông và là một trong những xã nghèo nhất của Huyện. Xã cách trung tâm huyện khoảng 65km, có một phần diện tích giáp với tỉnh Quảng Ngãi và tỉnh Quảng Nam. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã tới gần 12 nghìn ha. Toàn xã có 8 thôn, 614 hộ với 2.496 khẩu năm 2022 (chủ yếu là người Ca Dong, một nhánh của dân tộc Xê Đăng), trong đó có 402 hộ nghèo (chiếm hơn 65%), 88 hộ cận nghèo (chiếm hơn 14%). Điều kiện kinh tế của xã và các hộ dân còn rất khó khăn nên tỷ lệ đói nghèo, tỷ lệ trẻ em suy sinh dưỡng của xã cũng thuộc loại cao nhất trên toàn huyện (và thậm chí trong tỉnh và cả nước).

leftcenterrightdel

Đoàn trao đổi và làm việc với cán bộ xã Đắk Nên 

Trong chuyến khảo sát, nhóm nghiên cứu của Dự án đã tổ chức các buổi thảo luận với các nhóm đối tượng khác nhau bao gồm trẻ em, học sinh từ 10 đến 15 tuổi, các bà mẹ và các ông bố  có con nhỏ dưới 6 tuổi, phụ nữ lớn tuổi (bà), nam giới lớn tuổi (ông) tại xã Đắk Nên với mục tiêu có được bức tranh tổng thể về các vấn đề liên quan đến môi trường thực phẩm (như nguồn thực phẩm, chủng loại, lựa chọn thực phẩm của các nhóm đối tượng người dân) và đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trên địa bàn xã.

leftcenterrightdel
TS Cory Whitney (Chủ nhiệm Dự án phía Đức) và NCS Bùi Thị Khánh Hòa thảo luận với nhóm học sinh từ 10-15 tuổi 
leftcenterrightdel

TS Cory Whitney và các thành viên Dự án thảo luận với nhóm phụ nữ và nam giới lớn tuổi 

Đây là những hoạt động ban đầu của Dự án NIFAM và cũng là cơ sở để nhóm nghiên cứu của Dự án xây dựng mô hình và đề xuất những can thiệp thích hợp, khả thi nhất với người dân địa phương nhằm đa dạng hóa nguồn thực phẩm, tăng khả năng tiếp cận các nguồn thực phẩm khác nhau từ đó góp phần cải thiện sinh kế, chế độ dinh dưỡng trong từng bữa ăn của người dân địa phương trong thời gian tới.

Bùi Thị Khánh Hòa, Nhóm NCM Kinh tế và quản lý tài nguyên môi trường