Chiều ngày 03 tháng 06 năm 2024, tại phòng Hội thảo của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và quản lý tài nguyên môi trường đã tổ chức seminar với sự tham gia của các thành viên trong nhóm. Chủ trì là GS.TS Nguyễn Văn Song – Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh, với sự tham gia của PGS.TS Nguyễn Mẫu Dũng – Phó trưởng Khoa Kinh tế và PTNT, TS. Phạm Thị Thanh Lan – Trưởng bộ môn Kinh tế tài nguyên môi trường, cùng các giảng viên, nghiên cứu viên khoa Kinh tế và PTNT. Seminar tháng 06 này là một trong chuỗi các hoạt động theo kế hoạch định kỳ của các nhóm nghiên cứu mạnh thuộc Khoa Kinh tế và PTNT trong năm 2024. Các bài trình bày trong seminar được chuẩn bị kỹ lưỡng với các chủ đề cấp thiết đang diễn ra trong thực tiễn phát triển của ngành nông nghiệp và thu hút sự quan tâm của các nhà kinh tế và quản lý tài nguyên môi trường, cụ thể:

Mở đầu, PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng trình bày nghiên cứu với chủ đề “Các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động của ngành dệt may trên địa bàn tỉnh Nam Định”. Nghiên cứu sử dụng mô hình hàm Cobb-Douglas và số liệu khảo sát từ 206 doanh nghiệp dệt may trên địa bàn tỉnh Nam Định để phân tích. Kết quả cho thấy, giá trị tài sản cố định trên mỗi lao động được phát hiện là có ảnh hưởng lớn nhất và tích cực nhất đến năng suất lao động của ngành dệt may trên địa bàn. Với hệ số 0,065 (ở mức ý nghĩa 99%), ngụ ý rằng năng suất lao động của ngành sẽ tăng 0,065% nếu giá trị tài sản cố định/lao động trong doanh nghiệp tăng 1%. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí tiền lương cũng ảnh hưởng đáng kể đến năng suất lao động của ngành.

leftcenterrightdel
 

 

Tiếp đến, TS. Nguyễn Thị Thu Quỳnh trình bày bài nghiên cứu tổng quan về chủ đề “Nông nghiệp đa chức năng hay nông nghiệp đa giá trị? Tổng quan về cách tiếp cận và giải pháp triển khai ở Việt Nam”. Nghiên cứu chỉ ra “Nông nghiệp đa chức năng” theo cách tiếp cận của các nước trên thế giới hay “Nông nghiệp đa giá trị” theo cách tiếp cận của Việt Nam trong giai đoạn gần đây về bản chất là tương đồng nhau, và đều được coi là một hướng đi bền vững của ngành nông nghiệp trước bối cảnh thách thức ngày càng gia tăng đặc biệt là biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường. Trên cơ sở tổng hợp, phân tích, so sánh các tài liệu nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước, nghiên cứu khuyến nghị các nhà hoạch hoạch định chính sách áp dụng trình tự 03 cách tiếp cận theo: đối tượng hưởng lợi, thị trường và chức năng để xây dựng quan điểm, mục tiêu, và giải pháp chiến lược cho phát triển nông nghiệp đa giá trị ở Việt Nam với những ưu tiên cụ thể. Quan điểm bao trùm cần được nhấn mạnh đó là phát triển nông nghiệp đa giá trị là nhiệm vụ của cả xã hội, cần được thực hiện thông qua phát triển liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân liên quan. Giải pháp chủ yếu được đề xuất là cần tập trung hỗ trợ, nâng cao nhận thức và năng lực quản trị của các hộ nông dân theo hướng hỗ trợ họ thực hiện hiệu quả các chiến lược: mở rộng, tái cơ cấu và gia tăng chiều sâu các hoạt động sản xuất và kinh doanh nông nghiệp.

leftcenterrightdel
 

Tiếp nối chương trình, TS. Hồ Ngọc Cường trình bày nghiên cứu về Vai trò của rừng ngập mặn và các yếu tố ảnh hưởng tới bằng lòng chi trả cho bảo vệ rừng ngập mặn: trường hợp nghiên cứu tại Phù Long, Cát Bà”. Nghiên cứu nhấn mạnh vai trò của rừng ngập mặn là một hệ sinh thái độc đáo với những đặc điểm riêng biệt, đặc trưng của những khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới. Rừng ngập mặn đóng vai trò đa dạng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các lưu vực, hoạt động như những bể chứa carbon hiệu quả cao và có ý nghĩa văn hóa - xã hội và kinh tế quan trọng ở quy mô địa phương, quốc gia và toàn cầu. Tại Việt Nam, diện tích rừng ngập mặn khoảng gần 200.000 ha chiếm 1.3% tổng diện tích rừng ngập mặn toàn thế giới. Mặc dù Chính phủ và các bên liên quan có nhiều nỗ lực nhưng diện tích đang có xu hướng suy giảm nhanh chóng. Nghiên cứu bằng lòng chi trả sẽ là cơ sở quan trọng tiếp tục huy động hơn nữa nguồn lực tài chính cho các hoạt động bảo vệ rừng. Nghiên cứu tại Phù Long - Cát Bà cho thấy mức đóng góp, hiểu biết về giá trị dịch vụ hệ sinh thái rừng ngập mặn, có lợi ích trực tiếp hay gián tiếp từ rừng ngập mặn, thu nhập là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng với mức ý nghĩa thống kê 1%. Trên cơ sở đó, các gợi ý được đề xuất bao gồm: (i) cung cấp các chương trình giáo dục, chính sách truyền thông và chiến dịch bảo vệ rừng ngập mặn nhằm nâng cao nhận thức dựa trên mối quan tâm của các nhóm người sử dụng khác nhau và đảm bảo sự tham gia của họ trong giai đoạn đầu của các dự án; (ii) phát triển bảo vệ và cải thiện rừng ngập mặn với trọng tâm vào các cơ hội du lịch sinh thái để phát triển kinh tế cho cộng đồng địa phương tránh khai phá diện tích nuôi trồng thuỷ hải sản; (iii) xem xét việc trồng các loài phục vụ các nhu cầu các bên liên quan nhằm thúc đẩy giá trị của các chương trình bảo vệ rừng ngập mặn; (iv) đảm bảo tính minh bạch của quỹ tín thác có thể được quản lý bởi chính quyền địa phương dưới sự giám sát của cư dân địa phương và các bên liên quan khác, và (v) thiết kế một cơ chế giám sát toàn diện.

leftcenterrightdel
 

Sau phần trình bày của các tác giả, các thành viên tham gia buổi seminar đã thảo luận sôi nổi nhằm làm rõ hơn một số vấn đề liên quan đến lý luận và thực tiễn về phát triển bền vững các ngành nghề kinh tế ở nước ta gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Nhóm NCM Kinh tế và quản lý tài nguyên môi trường