Chiều ngày 4/6/2024, Nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và quản lý Tài nguyên Môi trường - Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn tổ chức buổi seminar với các bài trình bày của TS. Lê Phương Nam và TS. Nguyễn Thị Ngọc Thương. Buổi seminar do PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng là chủ toạ với sự tham gia của các cán bộ giảng viên và nghiên cứu viên trong Khoa.

TS. Lê Phương Nam đã trình bày chủ đề “Mối quan hệ phi tuyến tính giữa Tiêu thụ năng lượng hóa thạch, năng lượng tái tạo với dấu chân sinh thái tại Việt Nam: Tiếp cận theo mô hình NARDL”. Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tương ứng với nền kinh tế carbon thấp, việc cắt giảm phát thải khí CO2 là nhiệm vụ trung tâm của các kịch bản phát triển ở Việt Nam. Tuy nhiên, nền kinh tế đạt ra thách thức vừa đảm bảo tăng trưởng kinh tế vừa bảo vệ tài nguyên môi trường. Mục tiêu của nghiên cứu, nhằm đánh giá mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, tiêu thụ năng lượng hóa thạch, năng lượng tái tạo với lượng tài nguyên (thông qua chỉ tiêu dấu chân sinh thái - EF). Nghiên cứu sử dụng số liệu time-series được thu thập từ dữ liệu của World Bank, trong cơ sở dữ liệu World Development Indicator và Global Footprint Network, từ 1986 đến 2020. Nghiên cứu sử dụng mô hình phi tuyến tính phân phối trễ tự hồi quy (NARDL) trong phân tích dữ liệu chuỗi thời gian bao gồm hai thành phần: (i) Thành phần tự hồi quy (AR - Autoregressive) – biến phụ thuộc liên quan đến giá trị ở thời kỳ trước (độ trễ) của chính biến đó; (ii) Thành phần trễ (DL - Distributed lag) – biến độc lập có ảnh hưởng đến biến phụ thuộc với độ trễ khác nhau. Ưu điểm của phương pháp NARDL là cho phép ước lượng kết quả không thiên chệch (unbiased) ngay cả khi các biến trong mô hình có mức độ dừng khác nhau, bao gồm các biến dừng ở bậc gốc, I(0), và sai phân bậc 1, I(1). Đồng thời, mô hình tách ra trường hợp hợp khi tăng lượng sử dụng tài nguyên hóa thạch, tài nguyên tái tạo và trường hợp lượng sử dụng tài nguyên hóa thạch, tài nguyên tái tạo tác động tới lượng tài nguyên (thông qua dấu chân sinh thái - Ecological footprint).

Các nghiên cứu trước đây đã xác nhận tăng trưởng kinh tế và EF có mối quan hệ tuân theo giả thuyết đường cong Kuznets (Environmental Kuznets Curve - EKC). Đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, có sự đánh đổi chất lượng môi trường với tăng trưởng kinh tế. Do đó trong nghiên cứu này, sẽ đánh giá có hay không việc đánh đổi chất lượng môi trường với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Tăng trưởng kinh tế đại diện bởi tổng sản phẩm quốc nội theo đầu người (giá trị thực tế GDP theo đầu người của Việt Nam năm 2015, US$); Tỉ lệ năng lượng từ nguyên liệu hóa thạch FF, (% trong tổng năng lượng); Tiêu thụ năng lượng từ tài nguyên tái tạo, ERC (đo bằng TWh). Chất lượng môi trường thể hiện qua dấu chân sinh thái, tương ứng lượng tài nguyên mỗi năm tính trên đầu người (đo bằng Gha trên đầu người). Kết quả đã chỉ ra tốc độ tăng GDP giai đoạn 2016 - 2020 đạt khá cao, tăng trưởng bình quân giai đoạn này đạt khoảng 6%/năm và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. Về dấu chân sinh thái, kết quả cũng thể hiện rằng lượng tài nguyên cần khai thác đang tăng lên qua các năm.

leftcenterrightdel
 

Từ kết quả nghiên cứu, các yếu tố tăng trưởng kinh tế, tiêu thụ tài nguyên hóa thạch, tài nguyên tái tạo đều ảnh hưởng đến dấu chân sinh thái. Kết quả mô hình ARDL đã khẳng định, các yếu tố trên có xu hướng hội tụ trong dài hạn. Tăng trưởng kinh tế đang dẫn tới sự gia tăng dấu chân sinh thái, điều này có nghĩa giả thuyết đường cong Kuznets (EKC) tại Việt Nam đang ở giai đoạn đầu, chưa khẳng định giả thuyết đường cong Kuznets tồn tại ở Việt Nam, phát triển kinh tế đang đánh đổi chất lượng môi trường. Tại phần thảo luận, các ý kiến đã xem xét các chỉ tiêu khác để đánh giá chất lượng môi trường như sinh khối, đa đạng sinh học, sinh khối. Đồng thời, với nghiên cứu dạng này, có thể áp dụng các phương pháp khác như Bayesian ARDL, Dynamic ARDL hoặc các ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích số liệu chuỗi thời gian, cũng như mở rộng cho các nghiên cứu liên quan tới kinh tế vĩ mô.

leftcenterrightdel
 

Tiếp sau bài trình bày trên, TS. Nguyễn Thị Ngọc Thương trình bày chủ đề về giải pháp phát triển du lịch huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Có thể nói, du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư tuy đã được đầu tư quan tâm về cơ sở vật chất, nhưng còn tồn tại nhiều hạn chế, số khách sạn tiêu chuẩn từ 3-5 sao còn ít, các khu vui chơi, giải trí chưa nhiều; sản phẩm du lịch còn hạn chế; công tác vệ sinh môi trường ở các điểm du lịch chưa đảm bảo (thu gom rác thải, công trình vệ sinh công cộng). Nghiên cứu nhằm mục tiêu đánh giá thực trạng phát triển du lịch; phân tích các yếu tố ảnh hưởng và đề xuất giải pháp phát triển du lịch trên địa bàn huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Nghiên cứu đã chọn khảo sát các xã đại diện vùng lõi, vùng đệm và vùng ngoài của quần thể du lịch với các đối tượng gồm: cơ sở kinh doanh du lịch, khách du lịch, cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, và hướng dẫn viên du lịch.

leftcenterrightdel
 

Kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng các cơ sở lưu trú tăng qua các năm; tuy nhiên, cơ sở lưu trú vẫn ở quy mô nhỏ, chủ yếu là nhà nghỉ và khách sạn 2-3 sao; việc quản lý, cấp phép cơ sở lưu trú du lịch còn hạn chế, do số lượng cơ sở nhiều mà nguồn nhân lực quản lý có hạn. Quy mô phát triển và tiềm năng phát triển du lịch của Hoa Lư lớn; các loại hình du lịch chủ yếu là thắng cảnh, tâm linh và 1 điểm du lịch Tam Cốc-Bích Động có du lịch trải nghiệm nông nghiệp. Tuy nhiên, hệ thống cơ sở hạ tầng, thông tin hiện còn nhiều hạn chế và chưa hoàn thiện; Các khu biển quảng cáo cỡ lớn hiện nay được lắp đặt chưa nhiều; Lượng trang thông tin điện tử quảng cáo về du lịch ít (5), mới ở mức giới thiệu chung mà chưa chuyên sâu; Số lượng các điểm có wifi miễn phí và camera giám sát chưa đạt 50% số điểm du lịch. Trong khi đó, những khách du lịch trẻ tuổi và trung tuổi lại mong muốn điểm du lịch có thêm các dịch vụ như vui chơi, giải trí, mua sắm, ẩm thực phong phú và đa dạng. Địa phương chưa khai thác được hết các tiềm năng du lịch và công suất hoạt động của các điểm du lịch, khu du lịch tại địa phương. Từ đó, một số giải pháp được đề xuất bao gồm: Tăng cường thực hiện cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù để thu hút đầu tư phát triển du lịch; Tăng cường quản lý và thực hiện quy hoạch du lịch; Tăng cường huy động nguồn lực kinh phí cho phát triển du lịch; Xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường và đa dạng hóa sản phẩm du lịch.

Tại phần thảo luận, các ý kiến đã gợi ý về “chuỗi giá trị” của các dịch vụ du lịch, trong đó tác nhân là các cá nhân, hộ cá thể vẫn cần được tăng giá trị gia tăng trong cung cấp các hoạt động liên quan về du lịch; những góp ý về giải pháp kết nối các điểm, cụm du lịch thành quần thể lớn để thu hút thêm du khách.

Buổi chia sẻ, thảo luận kết thúc vào 16h00 cùng ngày.