4.0: Chúng ta đang ở đâu và cần phải làm gì?

Nhóm nghiên cứu đã tổ chức Seminar Nông nghiệp 4.0: Chúng ta đang ở đâu và cần phải làm gì? do GS. TS Đỗ Kim Chung trình bày. Tham dự Seminar có sự hiện diện của GS. TS Nguyễn Xuân Trạch, Phó Giám đốc Học viện, TS. Trần Thị Lan Hương, Phó trưởng Ban khoa học và Công nghệ, các giảng viên, nghiên cứu viên của các khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh, Nông học, Công nghệ sinh học, Kinh tế và PTNT, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên của Khoa Kinh tế và PTNT.

GS. TS Đỗ Kim Chung đã tổng quan lại 4 cuộc cách mạng công nghiệp trên thế giới và 4 cuộc cách mạng công nghiệp trong nông nghiệp. Cụ thể: Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất: Nông nghiệp được cơ khí hóa ở các khâu canh tác, vận chuyển bằng động cơ thủy lực và hơi nước. Cách mạng công nghiệp lần thứ hai: Nông nghiệp được điện khí hóa và cơ khí hóa từ canh tác đến chế biến và năng suất lao động cao hơn so với trước. Cách mạng công nghiệp lần thứ ba: Nông nghiệp được tự động hóa và ứng dụng của công nghệ máy tính và công nghệ sinh học cách mạng xanh và cách mạng trắng. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư: là sự đổi mới và sáng tạo sử dụng thế hệ công nghệ thứ tư (IT, AI, DT) để tạo ra nền nông nghiệp thông minh với chuỗi giá trị thực phẩm nông sản bền vững và hiệu quả.

Nông nghiệp 4.0 có các cách gọi khác nhau như nông nghiệp thông minh, nông nghiệp số, nông nghiệp khí hậu thông minh. Nông nghiệp 4.0 là nền nông nghiệp thông minh, đặc trưng bởi: số hóa, kết hợp hữu cơ giữa công nghệ vật lý, công nghệ sinh học và công nghệ điều hành, tự động hóa và thông minh hóa, đảm bảo cho chuỗi thực phẩm nông sản diễn ra liên tục, hiệu quả và bền vững.

GS. TS Đỗ Kim Chung và các đại biểu sau đó thảo luận về xu hướng công nghệ trong nông nghiệp 4.0; Lợi ích của nông nghiệp 4.0; Nông nghiệp 4.0 ở một số nước và Việt Nam: Đức, Anh, Nhật, Trung Quốc, EU, Israel, Mỹ, Thái Lan, Đài Loan; Thách thức cho Việt Nam. Đặc biệt là những định hướng và chính sách như tiếp tục tái cơ cấu nông nghiệp, đổi mới đầu tư công và dịch vụ công sang nền nông nghiệp đổi mới và sáng tạo; Ưu tiên phát triển nông nghiệp 4.0 nhưng không loại trừ nông nghiệp truyền thống; Đầu tư vào đổi mới và sáng tạo, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ phù hợp; Cần đầu tư một chương trình công nghệ nông nghiệp 4.0; Khuyến khích khởi nghiệp, tăng liên kết giữa doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, đào tạo, hình thành vườn ươm công nghệ; Đổi mới phương thức, nội dung đào tạo bằng tích hợp các xu hướng và thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng đối với đội ngũ lao động nông nghiệp hiện hành; Tiếp tục hỗ trợ tín dụng cho nông dân, các doanh nghiệp, trang trại trong phát triển và ứng dụng công nghệ 4.0 ở tất cả các lĩnh vực trong chuỗi nông sản thực phẩm.

Buổi seminar được đánh giá có nội dung rất hữu ích đối với giảng viên, nghiên cứu viên, học viên và sinh viên đang giảng dạy, nghiên cứu và học tập trong các lĩnh vực kinh tế, phát triển nông thôn, nông nghiệp

Một số hình ảnh hội thảo

GS. TS Đỗ Kim Chung trình bày tại hội thảo

 

Hội thảo nông nghiệp 4.0

GS. TS Đỗ Kim Chung trình bày tại hội thảo