Nhằm chia sẻ những thông tin bổ ích từ các hoạt động nghiên cứu của giảng viên, nghiên cứu viên và cán bộ của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, các seminar thường kỳ liên tục được triển khai vào các buổi chiều thứ 2 hàng tuần. Trong ngày 24 tháng 04 năm 2023, tại phòng 404 của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thu đại diện cho nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường  đã trình bày nghiên cứu với chủ đề: “Phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị: Thực trạng và đề xuất giải pháp tại tỉnh Hoà Bình”. 

leftcenterrightdel
Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thu trình bày trong buổi Seminar 

Hiện nay, nhu cầu về sử dụng dược liệu cũng như các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu ngày càng tăng. Việt Nam là một trong những quốc gia có nhu cầu sử dụng dược liệu lớn và cũng là quốc gia có nguồn tài nguyên dược liệu phong phú với trên 5.000 loài dược liệu quý hiếm. Hòa Bình là tỉnh miền núi phía Bắc có điều kiện tự nhiên và địa hình thích hợp với nhiều loài cây dược liệu. Là một trong những tỉnh cung ứng nguồn dược liệu thô lớn trong nước. Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện quy hoạch phát triển vùng sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị nhằm hướng tới cung cấp nguồn nguyên liệu dược liệu ổn định và bền vững, góp phần phát triển KTXH. Mặc dù vậy, phát triển dược liệu tại Hòa Bình vẫn còn nhiều hạn chế: sản xuất thiếu tập trung; giới hạn về kỹ thuật canh tác, công nghệ chế biến và kênh phân phối; liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ dược liệu còn thiếu và yếu; chưa có các chính sách hỗ trợ đặc thù nên chưa thu hút được nhiều tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng dược liệu, đặc biệt là doanh nghiệp.

 

Nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu “Đánh giá thực trạng từ đó đề xuất giải pháp phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi tại giá trị tại tỉnh Hoà Bình. Nghiên cứu sử dụng phương pháp tiếp cận có sự tham gia của các bên liên quan, tiếp cận theo chuỗi giá trị, tiếp cận theo khu vực kinh tế, tiếp cận tổng thể và cá biệt. Đi cùng với đó, nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát ở 6 huyện/thành phố bao gồm: huyện Đà Bắc, huyện Tân Lạc, huyện Yên Thuỷ, huyện Lạc Thuỷ, huyện Lương Sơn và thành phố Hoà Bình. 05 nội dung chính của nghiên cứu được tiến hành bao gồm: Xây dựng cơ sở lý luận, thực tiễn và rút ra bài học kinh nghiệm về phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị; Triển khai các hoạt động nhằm đánh giá thực trạng phát triển sản xuất dược liệu tại một số vùng chủ yếu của tỉnh Hoà Bình; Xây dựng mô hình sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị tại tỉnh Hoà Bình; Phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị tại tỉnh Hoà Bình; Đề xuất giải pháp phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị tại tỉnh Hoà Bình.

          Nghiên cứu đã chia sẻ rằng, Hoà Bình là một tỉnh có tiềm năng về đa dạng nguồn và loại dược liệu với 1494 loài thực vật bậc cao trong đó có 1058 loài có ích. Nhóm cây thuốc chiếm tỷ lệ nhiều nhất với 359 loài. Tại điểm nghiên cứu, hình thức tổ chức sản xuất chủ yếu là các hộ gia đình đơn lẻ chiếm 68,89%, hộ gia đình là thành viên HTX chiếm 22,78% và còn lại là HTX hoặc doanh nghiệp (chiếm 8,33%), trong đó mới có 67,74% sản lượng được đưa vào chế biến với 32% được đưa vào chế biến sâu. Việc tiêu thụ dược liệu vẫn còn gặp nhiều hạn chế với chỉ 30% được tiêu thụ cho các tác nhân chế biến, 62% được tiêu thụ cho các tác nhân thu gom và 8% tiêu thụ ra ngoài tỉnh.

leftcenterrightdel
 

Từ thực trạng điều tra, nghiên cứu đã đề xuất xây dựng 03 mô hình: (1) Mô hình sản xuất dược liệu dưới tán rừng gắn với chuỗi giá trị; (2) Mô hình sản xuất dược liệu tập trung gắn với cải tạo vườn tạp và chuỗi giá trị; (3) Mô hình sản xuất dược liệu tập trung dưới đồng ruộng gắn với chuỗi giá trị. Đi kèm với đó, một số giải pháp sau đã được đề xuất: (1) Hoàn thiện cơ chế, chính sách chung về phát triển vùng sản xuất dược liệu tập trung theo chuỗi giá trị: Thị trường, vốn, KHCN, CSHT, đất đai, bảo tồn…; (2) Điều chỉnh quy hoạch phát triển vùng sản xuất dược liệu để phù hợp với xu hướng thị trường; (3) Phát triển thị trường đầu ra cho dược liệu thông qua thu hút doanh nghiệp chế biến và thương mại đầu tư vào lĩnh vực dược liệu và thúc đẩy thương mại hoá các SP dược liệu đạt OCOP; (4) Tập trung hỗ trợ công nghệ sơ chế, chế biến sâu theo hướng hiện đại theo vùng (cụm) sản xuất; (5) Tăng cường liên kết và nâng cao năng lực nhận thức của các tác nhân trong chuỗi giá trị dược liệu, đặc biệt là tác nhân sản xuất và chế biến; (6) Xây dựng mô hình quản lý cây dược liệu dựa vào cộng đồng nhằm hướng tới bảo tồn, tự kiểm soát quy trình sản xuất an toàn; (7) Thử nghiệm trồng để xác định dược tính và mức độ phù hợp với đất của từng cây dược liệu, đặc biệt là dược liệu nhập ngoại; (8) Đề xuất xây dựng mô hình dược liệu: Dưới tán rừng, cải tạo vườn tạo và trên đồng ruộng.

leftcenterrightdel
 

Seminar diễn ra với những thảo luận sôi nổi của đại biểu tham dự. Các đại biểu cũng kỳ vọng rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều chia sẻ của nhóm về chủ đề tương tự góp phần khuyến nghị những giải pháp phát triển vùng sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị cũng như các vùng sản xuất khác. 

leftcenterrightdel