Chính phủ đã xây dựng và thực hiện nhiều chính sách về đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng. Kết quả là đã đem lại nhiều thành tựu to lớn; Mức độ “cởi mở” của chính sách đất đai và chính sách đất nông nghiệp ngày càng cao; người nông dân ngày càng có thêm nhiều quyền hơn trên diện tích đất nông nghiệp được giao trừ quyền sở hữu… Tuy nhiên, hiện nay chính sách đất nông nghiệp vẫn tồn tại nhiều hạn chế, tình trạng manh mún cũng như việc tập trung, tích tụ ruộng đất vẫn là những vẫn đề phức tạp chưa có giải pháp tốt kể cả lý luận và thực tiễn; các hình thức giao dịch đất nông nghiệp diễn ra phức tạp và chưa thực sự hiệu quả. Để làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về những vấn đề nêu trên cũng như nghiên cứu mô hình giao dịch đất nông nghiệp để đạt được hiêu quả trong sử dụng đất nông nghiệp ở nước ta trong thời gian tới, chiều 04 tháng 12 năm 2017, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn tổ chức buổi seminar trao đổi “Chính sách đất đai và mô hình giao dịch đất nông nghiệp ở Việt Nam”

            Chia sẻ kết quả nghiên cứu ban đầu về chính sách đất đai ở Việt Nam hiện nay, TS. Nguyễn Viết Đăng – Bộ môn Kinh tế nông nghiệp và Chính sách đã trình bày bài viết “Chính sách đất đai và tích tụ ruộng đất ở nước ta – vấn đề và giải pháp”. Trong bài viết, TS Đăng đã khái quát và phân tích hệ thống và quá trình đổi mới chính sách đất đai nói chung và đất nông nghiệp nói riêng. Đồng thời đánh giá tình hình thực hiện chính sách đất đai, chính sách đất nông nghiệp trên thực tiễn và tình hình tích tụ ruộng đất ở địa phương – nghiên cứu điểm tại huyện Hải Hậu, tính Nam Định. Theo đó, hiện nay, mặc dù hệ thống chính sách về đất đai ở nước ta khá cởi mở song vẫn khá chặt chẽ. Kể từ khi chủ trương tập trung và tích tụ ruộng đất được triển khai thì việc tập trung và tích tụ ruộng đất ở các địa phương đã và đang được triển khai. Tuy vậy, tính đên nay, sau nhiều năm thực hiện, kết quả đạt được mới chỉ dừng lại ở tập trung ruộng đất chứ việc tích tụ ruộng đất vẫn còn gặp nhiều nan giải và khó khăn. Nguyên nhân và những vấn đề nổi cộm là do nhiều bất cập từ chính sách đất nông nghiệp. Tiêu biểu như khoảng cách giữa quy hoạch và thời hạn giao đất; Theo đó, hiện nay người nông dân được giao đất lâu dài và ổn định tức là 20 năm song quy hoạch lại chỉ có 10 năm như vậy sau 10 thì quy hoạch có thể thay đổi. Điều này làm ngừoi nông dân rất khó đầu tư lâu dài cho sản xuất quy mô lớn; Hai là, cho đến nay những quan điểm và quy định về tích tụ ruộng đất vẫn chưa rõ ràng nên việc triển khai vẫn trên tinh thần “Vừa bóp cò vừa đạp phanh” – như kết luận của tác giải tức là vừa làm vừa chờ, vừa điều chỉnh. Ngoài ra còn nhiều nguyên nhân khác cũng ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện chính sách đất đai và chính sách tích tụ ruộng đất ở Việt Nam.

            Tiếp theo bài chia sẻ về chính sách đất đai là bài viết “Kinh tế làng xã ở Việt Nam - Ứng dụng mô hình giao dịch đất nông nghiệp” do PGS.TS. Phạm Văn Hùng – Trưởng Ban Tài chính – Kế toán, Bộ môn Phân tích định lượng trình bày. Trong nghiên cứu của mình, tác giả đã khái quát về kinh tế làng xã và những đặc trưng của kinh tế làng xã. Đặc biệt, trong nghiên cứu, tác giải dựa trên ý tưởng coi một làng, xã, huyện hay thậm chí là một tỉnh và một quốc gia như là một “hộ” nông dân mở”. Theo đó, ở những hoạt động kinh tế hay những hoạt động sản xuất nông nghiệp đặc biệt là những hoạt động giao dịch các yếu tố đầu vào cho sản xuất nông nghiệp đặc biệt là đất nông nghiệp được tác giả sử dụng triệt để quy luật cung – cầu tức là cung từ người muốn chuyển nhượng, cho thuê… chính là cầu từ người muốn thuê, sử dụng diện tích đất đó. Từ ý tươngr đó, tác giả đã xây dựng mô hình giao dịch đất nông nghiệp ở nước ta. Mô hình là sự kết hợp giữa các mô hình cân bằng không gian, mô hình kinh tế hộ, mô hình quy hoạch số nguyên… trong bối cảnh kinh tế làng xã với các biến và các ràng buộc cụ thể để nghiên cứu mô phỏng với mục tiêu là tối đa hóa lợi ích. Kết quả mô hình chỉ ra rằng, nếu cho phép thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp (kể cả các nguồn lực khác) thì sẽ có xu hướng tập trung vào những hộ/làng… sản xuất/sử dụng hiệu quả hơn. Tuy vậy, khi chi phí cơ hội của lao động nông nghiệp quá cao thì có thể xuất hiện hiện tượng nông dân cho thuê hết đất, không đầu tư sản xuất thậm chí bỏ hoang và những diện tích này sẽ được khuyến khích chuyển mục đích sử dụng sang các ngành chăn nuôi hay nuôi trồng thủy sản ... đặc biệt, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng muốn sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định thì chi phí cơ hội sử dụng nguồn lực giữa các ngành (trong và ngoài nông nghiệp) không nên chênh lệch quá lớn.

            Thảo luận và kết luận tại buổi seminar, các nhà khoa học đều cho rằng hai nghiên cứu được trình bày đều có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn trong bối cảnh hiện nay. Kết quả của hai nghiên cứu đã góp phần bổ sung thậm chí là làm căn cứ tốt để kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi chính sách đất đai nói chung và chính sách đất nông nghiệp nói riêng. Mặt khác, nghiên cứu mô hình giao dịch đất nông nghiệp của PGS.TS. Phạm Văn Hùng có thể cơ sở để ứng dụng vào trong thực tiễn việc sử dụng đất nông nghiệp cũng như các nguồn lực khác cho sản xuất nông nghiệp hiện nay ở nước ta. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng có nhiều lưu ý và góp ý thêm như vấn đề chính sách và thực tiễn sử dụng đất nông nghiệp ở Việt Nam có nhiều đặc thù riêng và phức tạp. Đồng thời, hiện nay về mặc lý luận ở Việt Nam chưa có “thị trường đất cũng như thị trường đất nông nghiệp” đúng nghĩa. Do đó, trong các nghiên cứu cần được thiết kế và phân tích, đánh gia một cách đa chiều và phù hợp.

            Buổi seminar kết thúc và đã giúp cho các nhà khoa học đặc biệt là các giảng viên trẻ trong Khoa tiếp thu được nhiều kiến thức, lý luận, phương pháp và mô hình nghiên cứu mới hữu ích góp phần bồi đắp thêm những khiếm khuyết còn thiếu của bản thân.

            Một số hình ảnh về buổi seminar

TS. Nguyễn Thị Dương Nga

 

PGS.TS. Phạm Văn Hùng

 


 

Thảo luận seminar

 

Bạch Văn Thủy – Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn