Trong quý I năm 2023, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã phối hợp cùng Sở khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái, Chi cục phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, Hội Đông y tỉnh Yên Bái tổ chức hội thảo khoa học trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu đề xuất giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu gắn với liên kết theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh Yên Bái” do TS. Nguyễn Anh Đức (Thành viên nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường) làm chủ nhiệm. Đề tài được tiến hành trong vòng ba năm từ 2021 – 2023. Hội thảo có sự tham gia của đại diện của cơ quan quản lý nhà nước về dược liệu và các tác nhân tham gia chuỗi giá trị dược liệu, đặc biệt là các hợp tác xã và doanh nghiệp - tác nhân giữ vai trò dẫn dắt chuỗi.

leftcenterrightdel
PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng, Phó trưởng khoa Kinh tế và PTNT phát biểu đề dẫn tại hội thảo 

Tại hội thảo, đại diện nhóm nghiên cứu, TS. Nguyễn Anh Đức đã trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu đề tài. Tỉnh Yên Bái có tiềm năng về quy mô diện tích, nguồn dược liệu bản địa, điều kiện sản xuất dược liệu dưới tán rừng, cải tạo vườn tạo và trên đồng ruộng theo vùng tập trung gắn với chuỗi giá trị. Năm 2022, diện tích cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Yên Bái vào khoảng 3.983,6 ha, sản lượng ước đạt 10.662,7 tấn, trong đó phần diện tích gieo trồng chiếm 98% với các loài dược liệu chủ yếu là thảo quả, khôi tía, nghệ, gừng, sả, cà gai leo, đinh lăng, ba kích, sa nhân.

Mặc dù tỉnh đã xác định việc liên kết sản xuất nguyên liệu gắn với bao tiêu sản phẩm ổn định, từ đó xây dựng vùng trồng dược liệu tập trung gắn với công nghiệp chế biến là hướng đi phù hợp và bền vững, nhưng việc triển khai điều này trong thực tế cũng còn gặp nhiều khó khăn. Quy mô sản xuất của các hộ trồng dược liệu còn nhỏ và phân tán, nông dân chưa được đào tạo tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh theo đúng tiêu chuẩn, nguồn cây giống chưa thực sự đảm bảo là những khó khăn trong sản xuất cây dược liệu. Khó khăn về thị trường chủ yếu đến từ việc giá cây dược liệu không ổn định và có xu hướng giảm. Ngoài ra còn khó khăn trong liên kết giữa người sản xuất và thị trường, các hợp tác xã dược liệu còn ít và hoạt động chưa thật sự hiệu quả. Từ đó nhóm nghiên cứu cũng đề xuất 07 nhóm giải pháp nhằm phát triển sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.

leftcenterrightdel
TS. Nguyễn Anh Đức, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu tại hội thảo 

Các đại biểu đến từ các đơn vị có liên quan như Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Trung tâm Phát triển khoa học công nghệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng Yên Bái (Yên Bái CDSH),  Hội Đông y tỉnh, Công ty cổ phần dược phẩm Yên Bái, đại diện các hợp tác xã sản xuất dược liệu  đã trình bày các tham luận tập trung vào các nội dung như Tổ chức vùng sản xuất tập trung theo tiêu chuẩn;  Kết hợp khai thác, bảo tồn và trồng mới dược liệu; Kết nối thị trường và thương mại hoá sản phẩm cây dược liệu; Nâng cao năng lực của các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị dược liệu.

leftcenterrightdel
Ông Vũ Xuân Hợi, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Yên Bái phát biểu tại hội thảo 

Hội thảo đã kết thúc vào hồi 17h30 cùng ngày. Hội thảo khoa học là nơi các nhà nghiên cứu, các chuyên gia, đại diện chính quyền địa phương, các tác nhân trong chuỗi giá trị cây dược liệu được trao đổi các quan điểm, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách phù hợp cho tỉnh Yên Bái nhằm định hướng phát triển sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu trong thời gian tới. Hội thảo cũng giúp kết nối giữa người sản xuất với các tác nhân như doanh nghiệp/công ty dược phẩm nhằm góp phần giải quyết bài toán thị trường cho sản phẩm cây dược liệu.

Nguyễn Anh Đức

Nhóm nghiên cứu mạnh Liên kết kinh tế và Phát triển thị trường