Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) được Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tiến hành khảo sát, đánh giá nhằm đo lường và đánh giá thực tiễn chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân của 63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam từ năm 2005. Chỉ số PCI bao gồm 10 chỉ số thành phần, bao quát những lĩnh vực chính của điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố có liên quan tới sự phát triển của doanh nghiệp. Một thực tế cho thấy, trong 14 năm qua, chỉ số PCI của 5 tỉnh khu vực Tây Nguyên bao gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng đã được cải thiện nhưng vẫn còn rất thấp so với các địa phương khác và so với bình quân chung của cả nước, điều đó gây ảnh hưởng tới việc thu hút doanh đầu tư sản xuất kinh doanh trong vùng.

leftcenterrightdel
 

PGS. TS Nguyễn Phượng Lê trình bày hội thảo

Theo kế hoạch thường kỳ, ngày 2 tháng 08 năm 2021, nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp đã tổ chức Seminar với chủ đề “Ảnh hưởng của chỉ số PCI đến phát triển doanh nghiệp vùng Tây Nguyên” do PGS. TS Nguyễn Phượng Lê trình bày trên nền tảng trực tuyến MS teams.

leftcenterrightdel
 

Một số kết quả nghiên cứu chính

PGS. TS Nguyễn Phượng Lê đã cung cấp cho người tham dự những vấn đề lý luận về “năng lực cạnh tranh” và các tiêu chí đo lường “năng lực cạnh tranh”, bao gồm năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh địa phương, trong đó có năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Dựa trên bộ cơ sở dữ liệu điều tra của VCCI từ năm 2006 đến năm 2019, PGS. TS Nguyễn Phượng Lê đã chỉ ra rằng có 4/10 chỉ số thành phần của PCI của các tỉnh Tây Nguyên gồm chỉ số tiếp cận đất đai, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp có điểm số cao hơn, trong khi 6/10 chỉ số còn lại được thấp và rất thấp hơn so với bình quân chung của cả nước, đặc biệt là chỉ số về chi phí không chính thức và thiết chế pháp lý. Phân tích tương quan Pearson Product Moment correlation coefficient chỉ ra rằng, các chỉ số tính minh bạch, chi phí thời gian và chi phí không chính thức ảnh hưởng khá lớn tới số lượng doanh nghiệp, số lượng lao động và số lượng vốn thu hút đầu tư vào vùng Tây Nguyên.  

leftcenterrightdel
 

Trên cơ sở phân tích thực trạng, PGS.TS Nguyễn Phượng Lê đã đề xuất các giải pháp nhằm cải thiện chỉ số PCI, qua đó thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực Tây Nguyên trong thời gian tới như: (i) Hoàn thiện và cải cách mạnh mẽ hơn nữa thủ tục hành chính công, minh bạch hoá thông tin; (ii) Đổi mới hệ thống đào tạo nghề; (iii) Đổi mới và nâng cao vai trò của hệ thống toà án và (iv) Phát huy vai trò của các Trung tâm trọng tài thương mại trong giải quyết các tranh chấp của doanh nghiệp.

leftcenterrightdel
 

Các thành viên hội thảo tích cực tham gia trao đổi về chủ đề nghiên cứu

Seminar đã thu hút 50 giảng viên, nghiên cứu viên của khoa Kinh tế & Phát triển nông thôn tham dự với nhiều ý kiến đóng góp và chia sẻ sôi nổi. Nhiều thầy cô đã  cho rằng chủ đề nghiên cứu cung cấp góc nhìn, hướng đi mới trong nghiên cứu lĩnh vực kinh tế trên cơ sở khai thác bộ dữ liệu thứ cấp.

Nhóm nghiên cứu mạnh Chính sách nông nghiệp