Chiều ngày 26/10/2023, nhóm nghiên cứu mạnh Kinh tế và quản lý Tài nguyên Môi trường - Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn tổ chức buổi seminar với các bài trình bày của PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng, TS. Lê Phương Nam và TS. Phạm Thanh Lan. Buổi seminar do GS.TS.  Nguyễn Văn Song – trưởng nhóm nghiên cứu mạnh là chủ toạ với sự tham gia của các cán bộ giảng viên và nghiên cứu viên trong Khoa.

PGS.TS. Nguyễn Mậu Dũng đã trình bày chủ đề “Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau của các hộ nông dân ngoại thành Hà Nội”. Rau xanh là một trong những thực phẩm quan trọng không thể thiếu trong các bữa ăn hàng ngày của con người. Với dân số hơn 10 triệu người, nhu cầu rau xanh ở Hà Nội ước tính hơn 1 triệu tấn/năm và yêu cầu về chất lượng ngày càng cao. Thành phố Hà Nội đã ban hành những chính sách thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, và đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên diện tích ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau chưa nhiều, mới chiếm khoảng 750 ha (~2,3% tổng diện tích rau của thành phố). Nghiên cứu đã thu thập số liệu sơ cấp tại huyện Đông Anh (xã Vân Nội) và huyện Gia Lâm (xã Đặng Xá và Văn Đức) với 164 mẫu, gồm 88 hộ ứng dụng công nghệ cao và 76 hộ chưa ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau. Số liệu được phân tích bởi các phương pháp như thống kê mô tả, thống kê so sánh và mô hình logit nhị phân. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rau là cây hàng năm có diện tích lớn thứ hai sau lúa, tổng diện tích rau khoảng 31-32 ngàn ha, với sản lượng 650-720 ngàn tấn/năm (Cục thống kê Hà Nội, 2021), tuy nhiên tổng diện tích rau hữu cơ mới chiếm 3,7%, diện tích rau ứng dụng công nghệ cao khoảng 750 ha năm 2022, với một số công nghệ như nhà màng, nhà lưới, nhà kính; công nghệ thủy canh; công nghệ tưới phun; công nghệ tưới nhỏ giọt; cảm biến nhiệt độ, độ ẩm; điều khiển hệ thống tưới, nhiệt độ, ánh sáng bằng điện thoại. Các yếu tố ảnh hưởng tới quyết định sử dụng công nghệ cao trong sản xuất rau như số năm đi học, thu nhập của hộ, số lao động nông nghiệp, diện tích trồng rau, tiếp cận với các dịch vụ khuyến nông, tiếp cận với tín dụng. 

 

leftcenterrightdel

PGS. TS. Nguyễn Mậu Dũng trình bày chủ đề Phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến

ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau của các hộ nông dân ngoại thành Hà Nội 

Nghiên cứu cũng chỉ ra thành phố Hà Nội đã quy hoạch quy hoạch vùng chuyên canh rau tăng từ 4690 ha năm 2021 lên 7251 ha năm 2025, tập trung tại các huyện Mê Linh, Đông Anh, Hoài Đức, Thường Tín, Gia Lâm, Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, Thạch Thất. Tuy nhiên, việc quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ của Hà Nội chưa rõ ràng, chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp công nghệ cao, nhất là cho hộ chưa cụ thể, khó khăn về nguồn kinh phí hỗ trợ. Những khó khăn trong sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, như phân biệt sản phẩm rau ứng dụng công nghệ cao, rau an toàn với các sản phẩm rau thông thường là không rõ ràng, đôi khi giá bán sản phẩm không có sự chênh lệch hoặc chênh lệch rất nhỏ (nếu ko ký được hợp đồng bán cho các đơn vị). Liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm rau công nghệ cao chưa chặt chẽ. Kinh phí đầu tư ban đầu lớn: Kinh phí để xây dựng cơ sở vật chất như nhà màng, nhà lưới, nhà kính, hệ thống tưới tiêu giếng, đường ống dẫn nước đường điện, khó để hộ ứng dụng công nghệ cao trên một diện tích rộng lớn và khó khăn cho hộ có điều kiện kinh tế trung bình, nghèo. Nghiên cứu chỉ ra một số giải pháp như: Hoàn thiện và cụ thể hóa chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao nói chung, hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau (chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, cụ thể hóa chính sách tín dụng, chính sách thu hút đầu tư vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ, chính sách hỗ trợ đào tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng. Hoàn thiện công tác quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, các vùng sản xuất rau công nghệ cao phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm rau công nghệ cao.

Tại phần thảo luận, các ý kiến trao đổi về xác định, phân biệt nguồn gốc giữa rau ứng dụng công nghệ cao với rau sản xuất theo các phương pháp truyền thống; thảo luận về một số giải pháp tiết kiệm chi phí đầu tư cho ứng dụng công nghệ cao để các hộ nông dân dễ dàng tiếp cận hơn.

leftcenterrightdel

TS. Lê Phương Nam trình bày chủ đề Mối quan hệ giữa Tăng trưởng Kinh tế, Sản xuất Công nghiệp, Vốn đầu tư Trực tiếp Nước ngoài với Phát thải CO2: Trường hợp nghiên cứu tại Việt Nam 

TS. Lê Phương Nam đã trình bày chủ đề “Mối quan hệ giữa Tăng trưởng Kinh tế, Sản xuất Công nghiệp, Vốn đầu tư Trực tiếp Nước ngoài với Phát thải CO2: Trường hợp nghiên cứu tại Việt Nam”. Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tương ứng với nền kinh tế carbon thấp, việc cắt giảm phát thải khí CO2 là nhiệm vụ trung tâm của các kịch bản phát triển ở Việt Nam. Nghiên cứu này nhằm đánh giá mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, sản xuất công nghiệp, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với mức phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính tại Việt Nam. Đồng thời, đề xuất một số giải pháp nhằm hạn chế mức phát thải CO2 trong khi vẫn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bảo vệ môi trường. Các nghiên cứu trước đây đã xác nhận tăng trưởng kinh tế và CO2 có mối quan hệ tuân theo giả thuyết đường cong Kuznets (Environmental Kuznets Curve - EKC). Đặc biệt là các nước đang phát triển như Việt Nam, có sự đánh đổi chất lượng môi trường với tăng trưởng kinh tế. Do đó trong nghiên cứu này, sẽ đánh giá có hay không việc đánh đổi chất lượng môi trường với tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Nghiên cứu sử dụng số liệu time-series được thu thập từ dữ liệu của World Bank, trong cơ sở dữ liệu World Development Indicator (WDI), từ 1990 đến 2018. Tăng trưởng kinh tế đại diện bởi tổng sản phẩm quốc nội theo đầu người (giá trị thực tế GDP theo đầu người của Việt Nam năm 2015, US$). Sản xuất công nghiệp được đại diện bởi cơ cấu giá trị công nghiệp trong GDP, tính theo giá thực tế năm 2015, US$. Đầu tư trực tiếp nước ngoài được thể hiện qua dòng đầu tư thuần vào Việt Nam, đo bằng phần trăm trong GDP. Chất lượng môi trường thể hiện qua phát thải CO2, tương ứng lượng CO2 phát thải theo đầu người, đo bằng tấn trên đầu người. Nghiên cứu sử dụng mô hình phân phối trễ tự hồi quy (ARDL) trong phân tích dữ liệu chuỗi thời gian bao gồm hai thành phần: (i) Thành phần tự hồi quy (AR - Autoregressive) – biến phụ thuộc liên quan đến giá trị ở thời kỳ trước (độ trễ) của chính biến đó; (ii) Thành phần trễ (DL - Distributed lag) – biến độc lập có ảnh hưởng đến biến phụ thuộc với độ trễ khác nhau. Ưu điểm của phương pháp ARDL là cho phép ước lượng kết quả không thiên chệch (unbiased) ngay cả khi các biến trong mô hình có mức độ dừng khác nhau, bao gồm các biến dừng ở bậc gốc, I(0), và sai phân bậc 1, I(1). Kết quả đã chỉ ra tốc độ tăng GDP giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, ở mức bình quân 6,8%/năm. Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lụt nghiêm trọng nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 đạt khoảng 6%/năm và thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực, thế giới. Tốc độ tăng lượng phát thải CO2 từ năm 1990 đến 2018 tại Việt Nam tăng dần qua các năm, Tổng phát thải khí CO2 năm 2021 của Việt Nam từ tất cả các nguồn là 339,8 triệu tấn (chiếm 0,9% của thế giới) và bình quân đầu người là 3,447 tấn/người.

Từ kết quả nghiên cứu, các yếu tố tăng trưởng kinh tế, sản xuất công nghiệp, nguồn vốn đầu tư nước ngoài đều ảnh hưởng đến phát thải CO2. Kết quả mô hình ARDL đã khẳng định, các yếu tố trên có xu hướng hội tụ trong dài hạn. Tăng trưởng kinh tế đang dẫn tới tăng phát thải ra CO2, điều này có nghĩa giả thuyết đường cong Kuznets (EKC) tại Việt Nam đang ở giai đoạn đầu, chưa khẳng định giả thuyết đường cong Kuznets tồn tại ở Việt Nam, phát triển kinh tế đang đánh đổi chất lượng môi trường.

 

Tại phần thảo luận, các ý kiến đã xem xét các chỉ tiêu khác để đánh giá chất lượng môi trường như sinh khối, đa đạng sinh học, dấu chân carbon. Đồng thời, với nghiên cứu dạng này, có thể áp dụng các phương pháp khác như Bayesian ARDL, non-linear ARDL hoặc các ứng dụng trí tuệ nhân tạo để phân tích số liệu chuỗi thời gian, cũng như mở rộng cho các nghiên cứu liên quan tới kinh tế vĩ mô.

TS. Phạm Thanh Lan trình bày chủ đề “Xác định vùng giá đất sử dụng dữ liệu không gian và mô hình hồi quy”. Định giá đất là một công cụ quan trọng để Nhà nước thực hiện quản lý tài chính về đất đai; quản lý việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất; và quản lý thị trường bất động sản. Ở Việt Nam, sự chênh lệch đáng kể giữa giá đất do Nhà nước quy định và giá đất trên thị trường đã gây ra không ít khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất và đây là nguyên nhân chính của những khiếu nại, khiếu kiện phức tạp và lâu dài trong lĩnh vực đất đai. Vì vậy, xác định giá trị của đất đai một cách công bằng, tin cậy, tiệm cận với giá trị thị trường là một việc làm hết sức cần thiết.

 

leftcenterrightdel
 

TS. Phạm Thanh Lan trình bày chủ đề

Xác định vùng giá đất sử dụng dữ liệu không gian và mô hình hồi quy

Nghiên cứu sử dụng số liệu thứ cấp về thông tin đất đai và điều tra 129 chủ sử dụng đất có giao dịch về đất ở, phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất ở và đề xuất mô hình xác định vùng giá đất ở đô thị tại thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Phương pháp phân tích số liệu chính là mô hình hồi quy tuyến tính đa biến và phân tích không gian. Kết quả nghiên cứu cho thấy, giá đất ở đô thị tại thị trấn Trâu Quỳ chịu ảnh hưởng bởi 9 yếu tố, trong đó loại đường tiếp giáp có ảnh hưởng lớn nhất đến giá đất, tiếp đến là các yếu tố khoảng cách đến chợ, khoảng cách đến ủy ban nhân dân và khoảng cách đến trường học. Nghiên cứu cũng đã phân nhóm đất ở đô thị của thị trấn thành 5 tiểu vùng giá đất, với tiểu vùng có giá đất rất thấp nhất dưới 26 triệu đồng/m2 và tiểu vùng có giá đất rất cao dao động trên 63 triệu đồng/m2.

Tại phần thảo luận, các ý kiến đã gợi ý một số yếu tố khác có ảnh hưởng đến giá của thửa đất cá biệt như yếu tố hình dáng thửa đất, hướng đất, yếu tố tâm linh và nhận định để xác định được vùng giá đất tiệm cận giá thị trường đòi hỏi cơ quan quản lý phải xây dựng cơ sở dữ liệu lưu trữ thông tin về các giao dịch đất đai một cách hệ thống, đầy đủ và thường xuyên cập nhật.